Thứ Tư 05/07/2023 08:25(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên
Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á là gì?
Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (tên tiếng Anh: ASEAN Football Federation; viết tắt: AFF) là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành, quản lý và tổ chức các giải đấu bóng đá (bóng đá 11 người, futsal và bóng đá bãi biển) trong khu vực Đông Nam Á.
Logo của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á AFF |
Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á là liên đoàn thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). AFF đồng thời điều hành các giải đấu cấp khu vực ở cấp đội tuyển quốc gia cũng một số giải đấu cấp câu lạc bộ tại khu vực Đông Nam Á. AFF cũng nắm quyền kiểm soát tiền thưởng, các quy định và quyền phát sóng các giải đấu nêu trên.
Lịch sử hình thành Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á
Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á được thành lập vào ngày 31/1/1984 trong cuộc họp tại Jakarta. 6 thành viên sáng lập của cơ quan này là Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan.
Ý tưởng thành lập liên đoàn xuất phát từ cuộc họp ban đầu nhằm thành lập liên đoàn bóng đá tiểu lục địa ở Bangkok năm 1982. Sau đó, AFF hay Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á được thành lập. Sau đó, lần lượt các quốc gia gia nhập AFF, bao gồm: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (cùng vào năm 1996), Timor Leste (2004) và Australia (2013).
Trụ sở chính của Liên đoàn bóng đá ASEAN được đặt tại Petaling Jaya, Selangor, Malaysia.
Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á gồm những nước nào?
Hiện AFF có 12 liên đoàn thành viên, là liên đoàn bóng đá của các quốc gia trực thuộc. Những thành viên của AFF là: Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Timor Leste và Australia.
Australia dù có tư cách thành viên của AFF nhưng đội tuyển này chưa từng tham dự các giải đấu trong khu vực bởi sức mạnh vượt trội. Trong quá khứ, có một số giải đấu Australia cử đội trẻ tới tham gia.
Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á tổ chức những giải đấu nào?
Các giải đấu cấp độ ĐTQG
- Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) là giải vô địch các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Giải đấu này được tổ chức hai năm/lần và là giải bóng đá lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Giải đấu lần đầu diễn ra năm 1996 và được tổ chức vào các năm chẵn, trừ các năm 2007 (do trùng với thời điểm diễn ra Đại hội Thể thao châu Á 2006) và 2020 (bị hoãn sang năm 2021 do đại dịch COVID-19).
ĐT Thái Lan là đội bóng thành công nhất lịch sử AFF Cup |
- Bộ môn bóng đá tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games). Ban đầu, các quốc gia cử ĐTQG tranh tài ở bộ môn bóng đá tại SEA Games. Tới năm 2001, chỉ các đội trẻ mới được dự SEA Games (ở môn bóng đá nam). Bóng đá nữ vẫn là cuộc tranh tài ở cấp độ ĐTQG.
- Hệ thống các giải trẻ: U16, U19 và U23 Đông Nam Á. Giải U16 và U19 Đông Nam Á được tổ chức mỗi năm một lần, bắt đầu từ năm 2002. Trong khi đó, giải U23 Đông Nam Á được tổ chức không cố định khi mới chỉ có bốn lần được tổ chức kể từ năm 2005.
U23 Việt Nam là đương kim vô địch U23 Đông Nam Á |
- Giải vô địch bóng đá trong nhà Đông Nam Á (AFF futsal Championship). Đây là giải đấu giữa các đội tuyển bóng đá trong nhà của các quốc gia Đông Nam Á do Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) tổ chức. Giải đấu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2001, diễn ra hai năm một lần cho đến năm 2005. Kể từ đó đến nay, giải đấu diễn ra hàng năm.
- Giải vô địch bóng đá bãi biển Đông Nam Á là giải đấu bóng đá bãi biển giữa các quốc gia Đông Nam Á và được phê chuẩn bởi Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á.
- Ngoài ra, AFF còn tổ chức các giải AFF Cup, giải trẻ U16-U19-U23 cũng như bóng đá tại SEA Games dành cho các đội tuyển nữ.
Cấp độ CLB
Giải vô địch các CLB futsal Đông Nam Á. Đây là giải đấu cấp CLB của các đội futsal trong khu vực Đông Nam Á. Giải đấu lần đầu được tổ chức vào năm 2014 theo chu kỳ mỗi năm một lần. Ở nội dung cho nữ, giải đấu này chỉ tổ chức được ba mùa giải (từ 2014-2016).
Cơ cấu lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á
Hiện chủ tịch của AFF là ông Khiev Sameth – người Campuchia. Ông nắm giữ vị trí chủ tịch của AFF từ năm 2019.